Những tấm lòng vàng
Đã thành thông lệ vào mỗi sáng thứ tư và thứ sáu hằng tuần, tại trụ sở Hội Người mù quận Đống Đa, lớp dạy khiêu vũ miễn phí của CLB khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (Solar Club) lại vang lên tiếng nhạc và những bước nhảy của các học viên khiếm thị. Thoạt nhìn, không ai nhận ra những bước nhảy nhịp nhàng, đúng điệu kia là của những người khiếm thị.
Chị Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa, Chủ nhiệm CLB và cũng là một thành viên của lớp học cho biết, Solar Club được Hội Người mù thành phố Hà Nội thành lập để những người khiếm thị có thêm cơ hội hòa nhập với cộng đồng, dưới sự tài trợ của Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn (REACH). Hoạt động này thuộc dự án Step up của REACH với mục đích hỗ trợ học nghề cũng như trang bị kỹ năng hòa nhập cho người khiếm thị.
“Dự án khi ấy chỉ kéo dài 20 buổi, nhưng khi kết thúc, chúng tôi đã đề nghị thầy Tô Văn Hòa tiếp tục dạy. Nắm được nhu cầu của các học viên, thầy Hòa đã đồng ý giảng dạy miễn phí. Năm 2020, một dự án hỗ trợ lớp học tương tự cũng hình thành và khi kết thúc họ cũng xin được thầy dạy tiếp. Vậy là nhóm lớp ấy gộp cùng nhóm lớp chúng tôi tạo nên một CLB với hơn 20 học viên như hiện nay”, chị Đỗ Thúy Hà thông tin.
Cũng theo chị Đỗ Thúy Hà, thầy Hòa là huấn luận viên nổi tiếng của Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên thầy dạy khiêu vũ cho người khiếm thị. Trong các buổi học, học viên có thể đến muộn, ngày mưa gió học viên có thể nghỉ học nhưng thầy luôn có mặt đúng giờ, không bao giờ nghỉ. Thầy luôn theo sát, chỉnh sửa từng động tác và đặc biệt sửa biểu cảm khuôn mặt sao cho đúng. Tất cả đều nghĩ rằng, không có tình người, sự cảm thông sâu sắc với những cảnh đời bất hạnh thì rất khó duy trì được lớp học.
Chia sẻ về CLB, thầy Tô Văn Hòa cho biết, các học viên đều rất có khả năng và với họ, học khiêu vũ cũng là cách để họ khẳng định với xã hội rằng nếu cho họ động lực, tình yêu thương, họ có thể làm được những điều khó tin. “Khiêu vũ là bộ môn nghệ thuật mà các vũ công phải hiểu về tiết tấu, sự uyển chuyển giữa các động tác, nhịp bước và cách biểu lộ tình cảm, mà điều này thì người khiếm thị thường có nhiều hạn chế vì động tác thường lóng ngóng, vụng về. Dạy cho người khiếm thị như là cách tôi kể một câu chuyện, phải kể đi kể lại nhiều lần, kể từng chi tiết, khi nào học viên thuộc mới thôi”, thầy Tô Văn Hòa chia sẻ.
Xóa mọi khoảng cách
Nhờ sự kiên trì, nỗ lực vươn lên, nhiều học viên trong CLB đã đạt được những thành tích trong bộ môn khiêu vũ như anh Đỗ Xuân Quang (ở quận Tây Hồ) là một ví dụ. Gắn bó với lớp học một thời gian, anh đã giành được Huy chương vàng hạng E1 Giải vô địch khiêu vũ thể thao quốc tế Hà Nội mở rộng 2019, Huy chương vàng nội dung đồng diễn Giải khiêu vũ thể thao CLB Linh Anh, Huy chương đồng hạng E1 Giải Hanoi Stars Open Dancesport C và hiện nay đang tích cực luyên tập để có thể chinh phục những cuộc thi tiếp theo.
Với anh Quang thì thành công chỉ đến nếu bản thân dám mơ ước và dám hành động. “Từ khi tham gia lớp học khiêu vũ, cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Tôi không những có được sức khỏe, niềm vui mà còn có thêm những người bạn mới, có môi trường để học tập, rèn luyện, phấn đấu”, anh Đỗ Xuân Quang nhấn mạnh.
Từ khi gắn bó với Solar Club, thấy được sự tiến bộ vượt bậc của các học viên trong bộ môn vốn không dành cho người khiếm thị, thầy Tô Văn Hòa luôn ấp ủ ước mơ tổ chức sân chơi riêng cho người khiếm thị. Và sau rất nhiều nỗ lực kết nối, gần đây cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” đã được tổ chức trang trọng ở Học viện Múa Việt Nam.
“Thành công lớn nhất là các học viên được khán giả chào đón một cách nhiệt liệt. Cuộc thi như một giải đấu chuyên nghiệp, hơn nữa lại được tổ chức tại Học viện Múa Việt Nam, một nơi có sân khấu dành cho các vận động viên chuyên nghiệp. Trong tương lai tôi mong muốn sẽ có nhiều cuộc thi hơn nữa cho người khiếm thị. Tại ASEAN Para Games sắp tới tổ chức tại Hà Nội, chúng tôi mong có nội dung khiêu vũ dành cho người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung”, thầy Tô Văn Hòa chia sẻ.